Nghệ sĩ Vân Dung cho biết mình không có danh hiệu NSƯT hay NSND vì chưa bao giờ tham gia thi để lấy huy chương. Cô nghĩ rằng chỉ cần khán giả yêu thương mình là được.
Tôi thi gì cũng trượt
* Xin chào nghệ sĩ Vân Dung, lần đầu chị đóng một phim điện ảnh thể loại kinh dị, chị cảm thấy thế nào?
– Nghệ sĩ Vân Dung: Đây là lần đầu tiên tôi nhận lời đóng phim điện ảnh mà còn là thể loại kinh dị, nó khác hẳn với những phim, tiểu phẩm từ trước tới nay mình làm. Tất cả với tôi đều mới mẻ, kể cả hôm nay đi ra mắt phim cũng mới mẻ. Tôi cảm thấy rất thích nên mong muốn có nhiều cơ hội vào miền Nam để làm phim truyền hình và phim chiếu rạp. Khi vào đây, tôi cảm thấy như bước vào ngôi nhà thứ hai, tôi không bị lạc lõng, cô đơn. Lúc đầu, tôi sợ mình không theo được các bạn, sợ cách làm phim trong này khác với ngoài Bắc từ đó làm phiền nhiều người. Nhưng khi vào đây, tôi lại thấy khác hẳn, mọi người đều làm việc chuyên nghiệp chăm chỉ và điều quan trọng là các bạn ở trong Nam thông minh, giỏi, sáng tạo, chịu khó tìm tòi. Các bạn rất nhanh nhạy còn mình hơi chậm nên khi xem họ diễn, tôi học hỏi được rất nhiều.
* Trong suốt những năm làm nghề, chắc hẳn chị đã nhận được nhiều lời mời đóng phim điện ảnh nhưng vì sao đến bây giờ chị mới tham gia?
– Tôi không biết cứ bị làm sao ấy. Tôi và nhiều nhà sản xuất từng gặp nhau, bàn bạc kỹ lưỡng, đọc kịch bản nhưng cuối cùng lại không gặp được nhau. Cho nên khi ê-kíp Quỷ cẩu có lời mời vào miền Nam đóng phim, tôi cũng có nói với bạn gửi lời mời rằng chúng ta đừng gặp nhau vì tôi có cái huông là khi gặp nhau cà phê hay đến nhà bàn bạc thì cuối cùng lại không hợp tác được, tôi tiếc nuối lắm. Tôi cũng muốn được khán giả trong Nam yêu quý nên tôi khuyên bạn ấy đừng gặp, không lại mất cơ hội của tôi. Vậy nên chúng tôi cứ chốt hết mọi thứ qua điện thoại…
* Khi có thông tin nghệ sĩ Vân Dung góp mặt trong phim, nhiều khán giả cũng sẽ kỳ vọng doanh thu cao. Chị có áp lực về chuyện này không?
– Vì lần đầu đóng phim điện ảnh nên tôi chỉ biết làm hết mình. Còn khán giả yêu quý mình đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm, ai làm phim mà chẳng hy vọng phim được khán giả đón nhận nồng nhiệt và đến rạp thật nhiều. Tôi nghĩ mọi người cứ đến xem đi đã rồi hay dở thế nào chúng ta đưa ra nhận xét sau. Ngoài ra, tôi nghĩ đoàn làm phim đã rất vất vả rồi và để ra được thành phẩm thì đó là công sức của rất nhiều người, vì thế tôi nghĩ nó hay. Đây là một bộ phim nhân văn, nói về tình người nên khi xem khán giả sẽ thích nội dung phim trước, sau đó mới là yếu tố kinh dị.
* Nghệ sĩ Vân Dung có tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp phía Bắc đã từng đóng phim ở miền Nam trước khi nhận dự án này không?
– Không! Vì tôi nghĩ mỗi người có một cách tiếp cận và làm việc riêng. Ở ngoài Bắc ai tôi cũng diễn được, ví dụ với anh Xuân Hinh, Xuân Bắc, Tự Long… Tất cả những người kỹ tính nhất mình đã làm việc được thì không có gì mình phải nghĩ ngợi cả. Tôi chỉ lo lắng việc làm phim trong Nam có khác gì ngoài Bắc hay không và bản thân có theo kịp còn để diễn cùng với mọi người thì tôi không ngại vấn đề đấy. Tôi tin rằng khi mình đến đoàn phim, mình yêu quý mọi người thì mọi người chắc chắn cũng yêu quý mình.
* Sau Quỷ cẩu, chị có nghĩ mình sẽ Nam tiến để làm phim không?
– Có chứ, đến lúc kết thúc phim mọi người bảo tôi về thì tôi còn không chịu về. Tôi còn bảo mọi người viết phần 2 để tôi được đóng. Vai tôi chỉ có một tí như thế này mà tôi phải vào tận trong này, nên cho tôi diễn thêm chứ tôi chưa muốn về. Các bạn ấy bảo ai làm phim xong người ta cũng muốn về còn tôi lại không, tôi bảo tôi thích ở đây lắm. Lần 1, tôi quay 22 ngày và lần 2 thì quay 7 ngày, nhân vật của tôi cũng nhỏ chứ không phải vai chính.
* Các đồng nghiệp của chị đều có danh hiệu NSƯT và NSND, chị có sốt ruột về điều này không?
– Không, tại sao tôi phải sốt ruột nhưng người hâm mộ của tôi cũng có hỏi vì sao tôi chưa được xét tặng NSƯT hay NSND. Tôi chỉ nói với họ một câu: “Có đi thi đâu mà được” (cười). Danh hiệu đó bắt buộc diễn viên phải thi và có huy chương thì mới được xét tặng. Nhưng trong tất cả các cuộc thi thì lúc nào tôi cũng đứng bên ngoài, tôi tự ti và nghĩ mình không có duyên với các cuộc thi. Nếu tôi đi thi, tôi sẽ trượt nên chưa bao giờ mình dám đi thi cả. Anh Đỗ Thanh Hải cũng động viên nhiều lắm vì trong nghề của mình danh hiệu chính là sự tôn vinh và sự ghi nhận công lao đối với những năm tháng làm nghệ thuật. Anh ấy cũng nói rằng nếu tôi không thi thì sẽ thiệt thòi. Nhưng tôi chỉ nghĩ một điều rằng khán giả yêu thương mình là được rồi, thế nên tôi cứ thờ ơ với tất cả cuộc thi.
Tuy vậy, đồng nghiệp trong ê-kíp Táo quân mà được xét tặng danh hiệu, tôi phấn khởi và rất tự hào về điều đấy. Có thể thấy, trong đội Táo quân có rất nhiều NSƯT và NSND. Trong một công ty có giám đốc, phó giám đốc và phải có nhân viên chứ toàn lãnh đạo thì ai chỉ bảo ai. Có NSƯT, NSND thì cũng có nghệ sĩ bình thường. Thế là mọi người bảo sau này Vân Dung bước ra sân khấu sẽ giới thiệu là nghệ nhân dân gian, tôi cũng đồng ý luôn. Khi giới thiệu dàn Táo quân toàn nghe NSƯT, NSND, đến tôi là nghệ sĩ Vân Dung thì mọi người cười phá lên. Tôi rất hãnh diện đi ra và vênh mặt xuất hiện vì tôi nghĩ mình có một kiểu riêng, khác với mọi người (cười).
* Nghệ sĩ sẽ có người yêu kẻ ghét nên khi nhận những lời bình luận không hay về mình, chị phản ứng như thế nào?
– Tôi vẫn yêu họ, tôi nghĩ trong cuộc đời không thể bắt buộc mọi người yêu mình hết được. Có những người thương cũng có những người ghét nhận ra điểm yếu của mình và điều mình chưa làm được. Có thể tất cả những lời nói đó là đúng và mình phải lắng nghe, từ đó, mình sửa đổi có khi lại tốt hơn. Vì nếu người ta đã không thích mình thì họ không bao giờ nhắc đến tên mình. Còn khi người vẫn nhắc đến tên mình thì mình vẫn thu hút sự chú ý, còn khi họ nhìn thấy mình mà xem như không thấy, cả đời không nhắc đến tên thì đó mới là một điều buồn.
Một bộ phim cũng như thế, có rất nhiều người khen, người chê nhưng mọi người vẫn đi xem rất đông, chúng ta phải đặt câu hỏi lớn chỗ đó. Còn nếu không khen mà cũng không chê thì coi như bộ phim đã thất bại về mọi mặt, tác phẩm không ai quan tâm và nó sẽ rơi vào quên lãng. Thế nên, mình phải cảm ơn và lắng nghe cả lời khen lời chê. Ai chẳng thích khen nhưng khi chê mình vẫn yêu họ vì khi nhìn thấy điều mình chưa làm tốt thì khán giả sẽ góp ý mà đôi khi họ lại không khéo nói. Một số người chỉ nói thẳng và nói thật, từ đó, mình nghĩ rằng họ ghét mình nhưng không phải như thế. Vì vậy, khen chê đều phải lắng nghe để xem điều đó có đúng không để còn sửa đổi chứ bây giờ mình cứ tưởng tượng là ông nọ bà kia, tự cho mình đúng thì người ta không bao giờ nói thật với mình. Có những điều khiến mình buồn, mình đau nhưng vẫn phải nghe, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn và gặt hái được nhiều thành công.
Từng khóc 3 đêm vì bị chê diễn dở
* Chị đã từng nhận những lời đánh giá không hay chưa?
– Tôi từng bị chê thẳng mặt từ một người rất yêu quý mình. Họ nói rằng: “Dung ơi, mày diễn như…”. Người đó còn bảo tôi xem lại cách diễn của mình, họ nói thẳng vào mặt khiến tôi trằn trọc suy nghĩ, đau đầu đến không ngủ được 3 đêm dù vai diễn đó chỉ 2 câu thôi. Tôi đã vào nhà vệ sinh tập diễn liên tục trong một tuần đến nỗi bố còn tưởng con gái bị điên. Lúc tôi có cơ hội được diễn lại thì mọi người mắt chữ A mồm chữ O vì không thể tưởng tượng rằng tôi lại có thể diễn được như thế. Họ cười không thở được và tôi đi diễn rất nhiều với tiểu phẩm Tù nhân thi văn nghệ. Đến bây giờ, mọi người vẫn nhớ đến tiểu phẩm đấy.
Tôi nói điều này để chứng minh rằng có những lời góp ý khiến mình sốc ngay lúc đầu. Nhưng nếu mình hiểu được cái tâm của người nói và mình thực hiện được thì mình rất biết ơn người đó. Đến bây giờ, tôi vẫn biết ơn bố Đức Chung, trưởng đoàn kịch của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Đó là một người thầy, người cha và người quản lý tuyệt vời, cả cơ quan ai cũng yêu quý ông. Chỉ cần một câu nói mà khiến tôi trưởng thành như thế này.
* Thời gian vừa qua, có đề xuất cấm diễn những nghệ sĩ vi phạm pháp luật. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
– Tôi nghĩ điều gì cũng có ngưỡng của nó, dù mình là công chức nhà nước, nghệ sĩ hay người dân bình thường đều phải sống và làm việc tuân theo pháp luật. Nghệ sĩ hay người thường đều là con người nên làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau, dù có thể chậm hơn một chút nhưng nó có thể mang đến bình yên cho mình. Tôi nghĩ điều đó cũng đúng vì ai chẳng muốn cuộc đời bình yên và cái tốt luôn hiện hữu. Cái gì tốt mình ghi nhận còn cái gì sai mình không làm theo chứ không phải thấy sai mà vẫn làm theo.
* Sau khi vướng ồn ào vào năm 2022, diễn viên Hồng Đăng không còn đóng phim và tham gia hoạt động giải trí. Phía Nhà hát Kịch Hà Nội cũng xác nhận Hồng Đăng nghỉ việc. Với góc nhìn của chị, chị cảm thấy như thế nào?
– Tôi nghĩ rằng bạn ấy tự dừng lại để bình yên trở lại với chính mình. Nói gì thì nói mạng xã hội không phải là ảo, vì Facebook của ai thì sẽ hiện lên văn hóa, suy nghĩ của người đó. Một người tạo tài khoản không có tên tuổi thì không sao nhưng khi bạn đã lộ diện và có tên tuổi thì nó thể hiện phông văn hóa của mỗi người. Dù sao vẫn còn khán giả yêu thương bạn ấy. Trong cuộc sống, chúng ta không thể khẳng định mình không bao giờ làm sai từ đây cho đến lúc chết đi. Ai cũng có lỗi sai, dù mắng vẫn phải mắng, trách vẫn phải trách nhưng khán giả chắc sẽ bao dung. Tôi nghĩ khán giả còn yêu thương diễn viên nhiều lắm nên họ sẽ cho cơ hội để những người như thế quay lại màn ảnh. Phải nói rằng bạn ấy là người tài năng mà.
* Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Vân Dung!